Từ xưa đến giờ, đồng bào các dân tộc K'Ho, Chink, Mạ... thường gọi suối Prenn là Đạ P'rền và thác Prenn là Liang tar Ding. Ở phía bắc dòng thác này ngày xưa chính là nơi cư trú của một buôn lớn người K'Ho gọi là Bon P'rền (nay thuộc phường 3 thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Theo các già làng kể lại thì P'rền chính là tên của một người phụ nữ được dân làng kính trọng vì đã có công đứng lên tổ chức lực lượng nổi dậy đánh trả quân giặc lấn chiếm lên vùng Đà Lạt, Lâm Đồng từ những thế kỷ trước để bảo vệ buôn làng và xây dựng lại quê hương xứ sở, Bà trở thành người chủ đứng đầu buôn làng này.
Prenn, theo tiếng dân tộc bản địa có nghĩa là vùng lấn chiếm. Theo đó đồng bào các dân tộc Nam Tây Nguyên trước đây thường gọi người Chăm là "Prenn" (chiếm đất). Vì vương triều Chăm ở vào thế kỷ thứ 17 thuộc thời đại Pô Rô Mê (1625-1651) với sự hưng thịnh đỉnh cao, có lực lượng quân đội thiện chiến, hùng mạnh, thường đưa quân đi đánh chiếm miền thượng nhằm mở rộng bờ cõi ở các vùng đất cao nguyên, trong đó có 1 Đà Lạt.
Cuộc chiến tranh liên miên hết đợt này đến đợt khác kéo dài suốt nhiều năm làm cho dân tình khốn đốn ly loạn. Từ đó khu vực thác Prenn là ranh giới vùng chiếm đóng của hai quân đội, một bên là lực lượng tại chỗ đứng lên chống giặc bảo vệ lãnh thổ quê hương mình. Theo sử cổ ghi lại thì vùng từ Đơn Dương đến Đức Trọng, Định An, Prenn đều do người Chăm tiến chiếm vì thế mà vùng đất này còn sót lại một số tàn tích, tên đất, tên làng mang tên Chăm như Phi Nôm, K'Long, Krean, Ta Hô oét... và đâu đó trong rừng sâu núi cao từng truyền lại là còn lưu giữ những kho báu của người Chăm xưa./.
Con cháu các thế hệ muôn đời sau vẫn lưu truyền những truyện kể, những chiến công oanh liệt của cha ông xưa, các dân tộc anh em luôn sát cánh bên nhau trong các cuộc chiến tranh để bảo vệ quê hương xứ sở./.
Tài liệu hướng dẫn du lịch - Khu du lịch Prenn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét